Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Giặt quần áo ở nhà với máy giặt thì ta dùng nước và xà bông để làm sạch quần áo. Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng như tơ lụa, bông sợi không giặt với nước được. Và ta nghĩ đến việc đưa đi “dry cleaning”. Gọi là “dry” nhưng thực ra chỉ có nghĩa là không ngâm ướt trong nước thường mà ngâm trong một dung dịch hóa chất.
Khi đưa quần áo cho tiệm giặt, ta cũng thắc mắc không hiểu bộ đồ quý của mình được chăm sóc như thế nào. Thì đây là diễn tiến:
Quần áo sẽ được nhận diện qua nhãn hiệu, tên thêu để tránh lầm lẫn với hàng của người khác; rồi coi có mất khuy, rách xước ở đâu đó kẻo khi giao hàng lại bị mắng vốn là cẩu thả. Nhìn coi có vết dơ dầu mỡ, thực phẩm, để tẩy gội trước khi cho vào máy có dung dịch hóa chất để giặt.
Sau khi giặt, nhân viên cũng coi lại xem còn vết dơ nào không rồi là ủi phẳng phiu, treo lên móc, bọc trong túi nhựa, sẵn sàng trao trả khách hàng.
Phương Pháp Giặt Khô
Khám phá ra phương pháp Giặt Khô (Dry Cleaning) cũng là chuyện tình cờ của ông thợ nhuộm người Pháp tên là Jean Baptiste Jolly vào năm 1855.
Số là cô gái giúp việc vô ý làm đổ ngọn đèn dầu hôi lên tấm khăn phủ bàn ăn. Khi mang đi giặt ông chủ thấy chiếc khăn sạch sẽ hơn vì chất dầu đã tẩy sạch các vết mỡ trên khăn. Từ nhận xét đó ông ta nghiên cứu thêm và đề ra phương pháp giặt khô bằng hóa chất hòa tan mỡ béo.
Nói là giặt khô nhưng thực ra quần áo mà ta vừa giao cho tiệm giặt được nhúng vào một dung dịch hóa chất. Thoạt kỳ thủy, người ta dùng dầu hôi và dầu xăng rồi đến các chất tổng hợp bốc hơi như tetrachloride và trichlorethylene. Ngày nay, 90% các tiệm giặt khô đều dùng hóa chất tổng hợp Tetrachloroethylene hoặc perchlorethylene, viết tắt là PERC.
Chất này được sử dụng rất nhiều trong việc giặt khô các hàng may mặc, vải vóc cũng như tẩy dầu mỡ trên dụng cụ bằng kim loại. Theo nhiều chuyên viên trong nghề, PERC an toàn nếu dùng đúng cách. Máy giặt cũng giản dị không choán nhiều chỗ, quần áo sạch hơn và thời gian giặt cũng mau hơn. Bộ phận giặt và vắt khô cũng như hóa chất đã dùng đều thu gọn trong một máy. Như vậy tránh được việc phế thải hóa chất ra hệ thống cống rãnh, gây ô nhiễm môi sinh.
Hóa Chất PERC
Dưới nhiệt độ bình thường, PERC ở trạng thái lỏng không bắt lửa nhưng cũng rất dễ bay hơi và hòa lẫn trong không khí. Nhiệt độ càng lên cao thì sự bốc hơi càng mạnh và tạo ra một mùi khó chịu giống như chất ether.
Hóa chất này xâm nhập môi trường bằng bốc hơi trong không khí khi được sử dụng trong kỹ nghệ hoặc ngấm vào đất, nước khi thất thoát từ máy giặt hoặc từ thùng chứa. Trước đây, các tiệm giặt ủi khô được phép xả nước dơ từ máy giặt vào hệ thống cống rãnh địa phương.
Theo chính quyền, tới 25% nước uống tại Hoa Kỳ bị nhiễm PERC. Mỗi năm có cả 200 triệu cân Anh PERC được gần 35,000 tiệm giặt ủi ở nước Mỹ dùng mà một số lớn hòa lẫn trong không khí cũng như vùng đất, nước chung quanh